Chương
trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa thích” và “Người Việt
Nam đi du lịch Việt Nam” đã phần nào kích cầu tiêu dùng, qua đó thực hiện mục
tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ hậu
Covid-19. Đây là chủ đề của buổi tọa đàm trực tuyến do báo Kinh tế & Đô thị
phối hợp với Sở Công Thương, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức sáng 10/11.
Ban
Tổ chức tặng hoa các khách mời tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: Phú Hoàng
Động lực cho doanh nghiệp đổi mới,
sáng tạo
Đánh
giá về chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa thích”, hầu
hết các đại biểu tham dự buổi tọa đàm có chung ý kiến: Chương trình bình chọn
đã tạo động lực cho DN đổi mới cách thức sản xuất, sáng tạo ra nhiều mẫu mã sản
phẩm, qua đó thu hút người tiêu dùng sử dụng hàng Việt. Đồng tình với đánh giá
này, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Tổng hợp (Sở Công Thương) Nguyễn
Linh nêu rõ: Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu
thích” là một hoạt động thường niên UBND TP Hà Nội, qua 10 năm triển khai,
chương trình ngày càng có uy tín hơn, thu hút đông đảo các DN trên địa bàn Thủ
đô và cả nước tham gia. “Lần đầu tiên chương trình tổ chức vào năm 2010 chỉ có
30 DN với 35 sản phẩm tham gia. Đến năm 2020 đã có 200 DN gửi hồ sơ về ban tổ
chức; qua sàng lọc có 103 DN với 189 sản phẩm, dịch vụ thuộc 12 ngành hàng đạt
đủ tiêu chí tham gia chương trình bình chọn. Kết quả này cho thấy chương trình
bình chọn đã tạo động lực cho DN liên tục đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất
kinh doanh và mở rộng thị trường” - ông Linh chia sẻ.
Đồng
tình với ý kiến này, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro)
thuộc Tập đoàn BRG Đỗ Tuệ Tâm cho biết, sau 11 năm triển khai thực hiện Cuộc vận
động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Hapro đã có một số sản phẩm được
người tiêu dùng yêu thích. Riêng năm 2020 có 2 sản phẩm của Hapro được tôn vinh
là gạo Đồng Vàng đặc biệt được sản xuất tại tỉnh Đồng Tháp và sản phẩm kem của
Công ty CP Thủy Tạ. Việc sản phẩm được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt
được ưa thích cho thấy hàng Việt đã chiếm được sự tin tưởng dân, qua đó tạo động
lực cho DN đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thực
tế, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không chỉ thu hút
DN sản xuất mà các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch cũng không đứng
ngoài cuộc. Trưởng phòng Quản lý Cơ sở lưu trú (Sở Du lịch Hà Nội) Kiều Việt
cho biết: Dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch lao đao, ngành du lịch Hà Nội đã
buộc phải giảm mức đón khách nội địa đến hết năm 2020 đạt từ 50 - 60% so với
năm 2019, tương đương từ 7,1 - 8 triệu lượt khách. Nhằm kích cầu du lịch, Sở Du
lịch Hà Nội đã kêu gọi các điểm đến, cơ sở lưu trú, dịch vụ lữ hành cam kết giảm
giá, dành ưu đãi cho du khách. Đồng thời tập trung xây dựng các sản phẩm mang
tính đặc thù của Hà Nội gồm: Du lịch di sản, sinh thái, chăm sóc sức khỏe, du lịch
gắn với các sự kiện văn hóa, thể thao, thương mại... “Có thể nói, việc giảm giá
tour đã kích thích nhu cầu du lịch nội địa qua đó thực hiện Chương trình “Người
Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, đồng thời hỗ trợ DN sản xuất tiêu thụ sản phẩm
Việt, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - ông
Việt phân tích.
Hà Nội đẩy mạnh kết nối vùng miền
Theo
các chuyên gia kinh tế, để kích cầu thị trường du lịch nội địa, bên cạnh việc
triển khai chương trình bình chọn, giảm giá tour đòi hỏi cơ quan quản lý đẩy mạnh
kết nối vùng miền; các DN liên kết hợp tác cùng khai thác thị trường nội địa
thì mới mang lại hiệu quả như mong muốn. Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Tổng
Công ty Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Vân cho biết: Nhằm kích cầu du lịch, từ đầu
năm đến nay DN tiếp tục duy trì kết nối với điểm đến tại các tỉnh, thành cũng
như đơn vị cung cấp dịch vụ như hàng không, xe vận chuyển, nhà hàng, khách sạn…
tổ chức tour du lịch nội địa khuyến mại, không ngừng tạo đà khôi phục cho hoạt
động du lịch. Bên cạnh đó, đơn vị đã liên kết với các tỉnh, TP tổ chức các tour
phù hợp với mùa vụ du lịch như: Miền Tây – mùa nước nồi, Phú Quốc – mùa khô hay
Côn Đảo – tour tâm linh cuối năm… Đặc biệt, trong số các sản phẩm kết nối mới
được xây dựng, đơn vị phối hợp với các DN du lịch Ninh Bình xây dựng tour “Đêm
trước dời đô” với nội dung xuyên suốt là trải nghiệm, tìm hiểu quá trình vua Lý
Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La (Hà Nội).
Nói
về hoạt động kết nối vùng miền, tạo điều kiện cho DN tiêu thụ sản phẩm, khai
thác thị trường nội địa, đại diện Sở Công Thương Hà Nội nêu rõ: Trong những năm
qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết và ký kết các
biên bản ghi nhớ, kết nối giao thương với trên 50 tỉnh, thành như Sơn La, Bắc
Giang, Hải Dương, Lào Cai, Phú Thọ, Lâm Đồng, Trà Vinh, Đồng Tháp... Thông qua
đó góp phần đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời khai
thác thế mạnh của các địa phương, thúc đẩy tiêu thụ thông qua hệ thống phân phối
trên địa bàn TP Hà Nội.
Ý
kiến của các địa biểu tham dự buổi tọa đàm cho thấy Chương trình bình chọn
“Hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa thích” và “Người Việt Nam đi du lịch Việt
Nam” đã khiến người tiêu dùng đã biết đến nhiều hơn hàng Việt của các DN, địa
phương, kích thích nhu cầu du lịch nội địa. Đồng thời giúp DN không ngừng nâng
cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, liên kết các tỉnh, thành xây dựng
tour mới… để người tiêu dùng Thủ đô ngày càng tin, yêu, tự hào sản phẩm Việt
Nam.
Điểm
mới của chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa thích” là
mỗi đơn vị được đăng ký tối đa 3 sản phẩm, dịch vụ để bình chọn. Biểu điểm bình
xét sản phẩm năm nay đã điều chỉnh tăng điểm chất lượng, giá cả, bao bì đóng
gói thân thiện môi trường và sức ảnh hưởng thị trường… Việc triển khai bình chọn
Hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa thích thể hiện cam kết của TP Hà Nội luôn
đồng hành cùng các DN thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế
- xã hội trong năm 2020 và các năm tiếp theo.
Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài
chính Tổng hợp (Sở Công Thương) Nguyễn Linh
Trong
thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức các hoạt động hợp tác, liên kết với
các địa phương cả nước phát triển sản phẩm du lịch và quảng bá chương trình du
lịch kích cầu nội địa tại thị trường Hà Nội. Trong quý III/2020, Sở đã phối hợp
với CLB Lữ hành UNESCO tổ chức đoàn Famtrip khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch
Hà Nội - Quảng Bình - Nghệ An -Thanh Hóa. Tổ chức các đoàn khảo sát, xây dựng sản
phẩm mới ở thị xã Sơn Tây; các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Gia Lâm... Dự kiến
trong tháng 11/2020 Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh và
các tỉnh miền Trung tổ chức Diễn đàn liên kết phát triển du lịch vùng kinh tế
trọng điểm miền Trung với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh... qua đó bổ trợ cho nhau
trong quá trình xây dựng, khai thác tour.
Trưởng phòng Quản lý cơ sở lưu trú
(Sở Du lịch Hà Nội) Kiều Việt
(Theo kinhtedothi.vn, ngày 11/11/2020).