Có hiệu lực thi hành từ
ngày 01/7/2020, Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua có nhiều quy định mới
định, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong đó, các nội dung về quản lý thuế
đối với hoạt động thương mại điện tử; Trách nhiệm kê khai thuế và Quản lý hoạt
động chuyển giá đang thu hút sự quan tâm của dư luận…
Lần đầu tiên quy định
quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử
Hiện nay, hoạt động kinh
doanh thương mại điện tử phát triển ngày càng rộng rãi thì việc xây dựng, ban
hành các quy định về quản lý thuế trong lĩnh vực này là cần thiết.
Khoản 4 Điều 42 Luật
Quản lý thuế 2019 về kê khai thuế quy định: Đối với hoạt động kinh doanh thương
mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện
bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà
cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký
thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài
chính.
Đây chỉ là một trong
những nội dung mang tính chất định hướng nhưng đóng vai trò quan trọng trong
công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Trong
thời gian tới, khi ban hành các văn bản hướng dẫn sẽ quy định cụ thể về nội
dung quản lý với hoạt động thương mại điện tử.
Ai chịu trách
nhiệm kê khai thuế?
Điều 27 của Luật Quản lý
thuế sửa đổi quy định: Ngân hàng thương mại có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay
nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở
nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phát sinh thu nhập từ Việt
Nam.
Điều 42 quy định: “Đối
với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và
các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở
thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp
hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy
định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Điều 35 về sử dụng mã số
thuế quy định: Khi bên Việt Nam chi trả tiền cho tổ chức, cá nhân có hoạt động
kinh doanh xuyên biên giới dựa trên nền tảng trung gian kỹ thuật số không hiện
diện tại Việt Nam phải sử dụng mã số thuế đã cấp cho tổ chức, cá nhân này để
khấu trừ, nộp thay. Trường hợp này được hiểu khách hàng là người nộp thuế thay
cho nhà cung cấp dịch vụ.
Siết chặt quản lý hoạt
động chuyển giá
Hiện nay, hành vi trốn
thuế thông qua chuyển giá ngày càng phổ biến. Để ngăn chặn tình trạng trên,
Luật Quản lý thuế 2019 nghiêm cấm hành vi: Thông đồng, móc nối, bao che giữa
người nộp thuế và công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá,
trốn thuế.
Để quản lý chặt chẽ hành
vi trốn thuế, khoản 5 Điều 42 Luật Quản lý thuế quy định nguyên tắc kê khai,
xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết như sau:
- Kê khai, xác định giá
giao dịch liên kết theo nguyên tắc phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập
và nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để xác
định nghĩa vụ thuế phải nộp như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập;
- Giá giao dịch liên kết
được điều chỉnh theo giao dịch độc lập để kê khai, xác định số tiền thuế phải
nộp theo nguyên tắc không làm giảm thu nhập chịu thuế;
Lưu ý: Người nộp thuế có
quy mô nhỏ, rủi ro về thuế thấp được miễn thực hiện quy định kê khai, xác định
giá tính thuế theo nội dung trên và được áp dụng cơ chế đơn giản hóa trong kê
khai, xác định giá giao dịch liên kết.